Những năm gần đây, Lào Cai phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo quy mô hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao. Các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển đàn lợn đen bản địa, đi đôi với nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm lợn đen.
Giống lợn đen bản địa ở vùng cao Lào Cai, do đồng bào dân tộc thiểu số nuôi từ lâu đời là giống lợn quý hiếm, với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng, ưu thế hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, rất phù hợp thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng.
Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp Phòng Nông nghiệp các huyện Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn sinh học, hạn chế rủi ro dịch bệnh, biết cách tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, đẩy nhanh xóa nghèo bền vững tại chỗ. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn gia đình.
Gia đình ông Châu A Cáng, ở xã vùng sâu Nậm Chày, huyện Văn Bàn được hỗ trợ bốn con lợn giống (7kg/con) cùng toàn bộ chi phí thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh; đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi… Ông Cáng cho biết, việc chăm sóc đàn lợn theo mô hình này khác hoàn toàn với cách nuôi lợn thả rông trước đây.
Gia đình đã sửa chữa chuồng trại nâng cho cao ráo, vệ sinh thường xuyên và phun thuốc khử trùng một tuần hoặc hai tuần một lần, tùy thuộc vào thời tiết… Thức ăn của lợn chủ yếu là cám gạo, bột ngô nấu chín cùng các loại rau nhà trồng được. Do được chăm sóc đúng quy trình nên đàn lợn của gia đình rất nhanh lớn, sau chín tháng nuôi, trọng lượng bình quân 83kg/con, chất lượng thịt tốt nên bán giá cao hơn và dễ tiêu thụ.
Gia đình chị Vàng Lở Mẩy ở thôn Phù Lao Chải, xã A Mú Sung cũng có thu nhập khá từ nuôi lợn đen bản địa. Năm 2021, chị được vay 200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện để mua con giống, đầu tư xây hai khu chuồng nuôi lợn đen và lợn thịt. Bên cạnh đó, chị trồng ngô, chuối làm thức ăn cho đàn lợn. Nhờ vậy, gia đình chị thường xuyên nuôi hơn 100 con, lãi hơn 150 triệu đồng/năm.
Huyện Bát Xát từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon, nhưng sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để phát triển đàn lợn đen bản địa theo hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Theo đó, mỗi hộ được vay cao nhất 200 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô trang trại; được hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng.
Với chính sách ưu đãi nêu trên, từ năm 2021 đến nay đã có gần 100 hộ tham gia dự án, nâng số lượng lợn đen bản địa lên hơn 25.000 con, chiếm khoảng 75% tổng đàn lợn toàn huyện. Tại huyện Mường Khương, việc đầu tư và phát triển đàn lợn đen bản địa đi đôi với nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm lợn đen đang được triển khai đồng bộ. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Đến nay, đàn lợn đen của Mường Khương đã có khoảng 16.000 con, chiếm hơn 60% tổng đàn, đem lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người dân địa phương.
Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, mô hình “Chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” được thực hiện theo phương pháp mới; thời gian vừa qua đã cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới cách tiếp cận đầu tư, hỗ trợ ở cấp cộng đồng; nông dân đảm nhận vai trò chủ đầu tư, tự tin, mạnh dạn, chủ động nguồn lực và góp vốn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho hộ chăn nuôi.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất-giết mổ, chế biến-thị trường; hạn chế chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Cùng với đó, tỉnh hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp… để chế biến các loại thức ăn chăn nuôi, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Địa phương còn xúc tiến thành lập tổ hợp tác nông dân cùng liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng, hỗ trợ các tổ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, tạo việc làm ngay tại địa phương, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.