Cùng với các cây trồng chủ lực, huyện Bát Xát chọn chăn nuôi lợn, đặc biệt là giống lợn đen bản địa là vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển. Chủ động về nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thành công khi chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn trang trại, gia trại. Hướng đi này giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; còn địa phương có thêm sản phẩm hàng hóa chất lượng.
Khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lợn đen và lợn lai rừng từ năm 2019 với 20 con giống. Đến nay, anh Lò Láo Tả ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát đã phát triển lên quy mô trang trại, duy trì tổng đàn lợn trên 200 con. Trung bình mỗi năm, từ việc bán lợn thịt và lợn giống, gia đình anh Tả thu về từ 350 – 400 triệu đồng. “Gia đình chủ động trồng thêm sắn, ngô, thuốc nam cho lợn ăn, chất lượng thịt ngon lại chống được bệnh đường ruột cho lợn con và lợn mẹ”, anh Tả cho biết thêm.
A Mú Sung hiện có 4 hộ gia đình nuôi lợn đen và lợn lai rừng có quy mô từ 100 con trở lên. Lợn được nuôi hoàn toàn theo kiểu cũ, chỉ cho ăn cám ngô, sắn, rau, chuối… Tuy chậm lớn nhưng ít chi phí và đặc biệt là thịt chắc, thơm, ngon được thị trường ưa chuộng, giá bán cao. Hiện, lợn giống có giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/1 con; lợn thịt xuất chuồng có giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg lợn hơi.
Có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu cao với thời tiết, ít dịch bệnh và đặc biệt là mang lại nguồn thu hiệu quả, lợn đen bản địa là con giống chủ lực được huyện Bát Xát chọn để tạo thành sản phẩm hàng hóa. Để phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, người dân đã được hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm và tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô, đầu tư chuồng trại.
Ông Sùng A Khứ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Mú Sung, huyện Bát Xát cho biết: “Nhu cầu thị trường rất cao, xã đã triển khai nhân rộng các mô hình. Thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh, các hộ dân được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển, phấn đấu cuối nhiệm kỳ tổng đàn lợn của xã sẽ đạt trên 4.000 con”.
Tập trung phát triển cây, con giống chủ lực phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương là hướng đi đúng đắn, hiệu quả để Nhân dân vùng cao nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.