Những năm gần đây, xã A Mú Sung đã phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa theo quy mô hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.
Đặc biệt, tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ bà con xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng, phục tráng và phát triển đàn lợn đen bản địa đi đôi với nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm lợn đen.
Huyện Bát Xát từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon nhưng sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để phát triển đàn lợn đen bản địa theo định hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Theo đó, mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô trang trại; hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng cho các hộ tham gia dự án. Với chính sách ưu đãi trên, từ năm 2021 đến nay đã có gần 100 hộ tham gia dự án, nâng số lượng lợn đen bản địa lên hơn 25.000 con, chiếm khoảng 75% tổng đàn lợn toàn huyện.
Hiện huyện Bát Xát đang đẩy mạnh tái đàn và phát triển đàn lợn đen bản địa tại các xã vùng cao, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng đàn lợn đen lên 28.000 con, cung ứng ra thị trường khoảng 2.300 tấn lợn đen thương phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa. Để đạt mục tiêu này, huyện Bát Xát dự định xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn nái tập trung để cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi tại địa phương; hỗ trợ một phần con giống cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập tổ, nhóm chăn nuôi tập trung tại các thôn, bản và chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Song song với việc phát triển chăn nuôi, huyện đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen Bát Xát.
Tại huyện Mường Khương, việc phục tráng và phát triển đàn lợn đen bản địa đi đôi với nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm lợn đen đang được triển khai đồng bộ. Đây được xem là nỗ lực của địa phương nhằm gìn giữ, bảo tồn 1 trong 3 giống lợn quý của miền Bắc. Để phát triển tăng trưởng đàn lợn đen cả về số lượng và chất lượng, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Khương đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Đến nay, đàn lợn đen của Mường Khương đã có khoảng 16.000 con, chiếm trên 60% tổng đàn.
Cùng với phát triển lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, việc nâng cao giá trị cho sản phẩm thịt lợn đen cũng được địa phương chú trọng, xây dựng thương hiệu, gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện Mường Khương đã có 3 sản phẩm chế biến từ thịt lợn đen của Hợp tác xã Sơn Hòa (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương), gồm: Thịt lợn bản, khâu nhục, ruốc lợn bản đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; đồng thời phấn đấu có thêm 3 sản phẩm sẽ được công nhận OCOP trong năm nay.
Tại 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn, cuối tháng 9/2022, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng. Mô hình được thực hiện tại 3 xã: Nậm Chày (huyện Văn Bàn), Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) và Phìn Ngan (huyện Bát Xát). Mục tiêu nhằm giúp người dân vùng cao có được các mô hình sinh kế; chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn sinh học, hạn chế rủi ro dịch bệnh, đồng thời biết cách tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia mô hình, 60 hộ dân được hỗ trợ 214 lợn giống, mỗi con có trọng lượng từ 5-6 kg. Mô hình chỉ hỗ trợ một phần, còn lại bà con phải tự bỏ kinh phí đối ứng từ con giống, thức ăn và một số vật tư khác. Duy nhất xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn được hỗ trợ toàn phần do là 1 trong 10 xã đặc biệt khó khăn nhất tại Lào Cai. Ở Nậm Chày, mỗi một thôn sẽ chọn từ 4 – 5 hộ (1 hộ khá, 1 hộ trung bình, còn lại là hộ nghèo); các hộ khá, trung bình khi nuôi lợn sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo cùng làm ăn. Sau khi kết thúc dự án vào tháng 3/2023, nếu thành công mô hình sẽ được nhân rộng, giúp người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn thêm thu nhập, hướng đến giảm nghèo.
Với nhiều giải pháp đồng bộ và phù hợp, Lào Cai đã và đang từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ lợn đen bản địa, xây dựng thương hiệu thực phẩm đặc hữu của địa phương.